Ô nhiễm môi trường đang là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, đe dọa sự đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và nhiều hệ lụy khác mà con người phải gánh chịu. Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường là một giải pháp bảo vệ môi trường cho tương lai. Đặc biệt là đối với rác thải nhựa, với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi ni-lông, hộp đựng đồ ăn.…) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người trên toàn thế giới.
Từ năm 2018, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào “Phòng, chống rác thải nhựa” giai đoạn 2018-2023 nhằm góp phần thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ và phát động của Liên hợp quốc về “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”. Các cấp Hội Phụ nữ huyện nhà luôn xác định: Bảo vệ môi trường, phòng, chống rác thải nhựa là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh… Từ đó, công tác triển khai và thực hiện được tổ chức trong toàn hệ thống Hội, cán bộ, hội viên, phụ nữ và trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong các tầng lớp phụ nữ, nhằm chung tay thu gom, tái chế, giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa dùng một lần, góp phần bảo vệ môi trường.
Hội PN xã Vĩnh An hoạt động “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”
Qua 5 năm thực hiện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và cơ sở đã phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ Hội, hội viên phụ nữ và các hộ phụ nữ tiểu thương về tác hại của túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần đối với môi trường sống và sức khỏe con người, kiến thức về bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; hướng dẫn phân loại xử lý rác thải tại hộ gia đình, ủ phân hữu cơ bằng thùng compost, xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, kỹ năng phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu…v.v…Các hoạt động được tổ chức thông qua hệ thống đài truyền thanh huyện, xã, sinh hoạt Chi hội phụ nữ, Tổ tiết kiệm và vay vốn, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ, đội nhóm, hội thi, tọa đàm và các trang mạng như Zalo, facebook, fanpage của Hội … phát nhiều lượt tin, bài, phóng sự tuyên truyền về các hoạt động của phụ nữ tham gia phong trào chống rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Tổ chức 185 lớp tập huấn cho 4.644 cán bộ Hội, hội viên phụ nữ nòng cốt.
Hội PN xã Tân Hưng, mô hình thu gom ve chai gây quỹ thực hiện chương trình mẹ đỡ đầu trẻ em mồ côi
Thông qua các buổi tuyên truyền, cán bộ hội viên phụ nữ đã hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, sáng tạo. Đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong toàn huyện đã xây dựng và duy trì có hiệu quả 322 mô hình, câu lạc bộ, công trình, phần việc góp phần bảo vệ môi trường, trong đó có hoạt động phòng, chống rác thải nhựa. Thông qua đó đã thu hút trên 10.000 hội viên, phụ nữ tham gia.
Một số mô hình điển hình như: “Biến rác thải thành tiền”, “Xách giỏ đi chợ”, “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”, “Đổi rác thải nhựa lấy dụng cụ học tập” “Ngôi nhà 100 đồng”, “Ngôi nhà xanh”, mô hình “Thu gom ve chai gây quỹ” cho trẻ em mồ côi, phụ nữ nghèo, khó khăn, phụ nữ khuyết tật. “Tổ phụ nữ 3 sạch”, chi hội “5 không, 3 sạch” và nhiều mô hình khác được các cấp ủy Đảng, chính quyền đánh giá cao. Qua các mô hình tiết kiệm gây quỹ từ ve chai, hàng năm Hội giúp đỡ hơn 2.682 phụ nữ nghèo, 240 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 776 triệu đồng.
Một số hội thi sáng tạo như: “Thời trang tái chế”, “Đồ dùng tái chế”, “Đồ chơi tái chế”, hội thi “Sáng tạo vì môi trường xanh với chủ đề nói không với rác thải nhựa”.v.v…được triển khai và tổ chức rộng khắp tại các cơ sở Hội và tổ hội phụ nữ trường Mầm non trên địa bàn huyện. Qua bàn tay khéo léo của các chị em hội viên phụ nữ, các cô giáo mầm non đã biến rác thải nhựa từ những chai, lọ, túi nilo, óng hút, giấy các loại… trở thành những bó hoa, giỏ hoa cầm tay thật xinh xắn, những bộ trang phục đáng yêu và nhiều đồ dùng học tập, đồ chơi hữu ích cho trẻ góp phần chung tay bảo vệ môi trường.
Một vài đơn vị được công nhận mô hình dân vận khéo về phân loại và xử lý rác thải tại nguồn nỗi bật như: Vĩnh Hòa, Vĩnh An, An Phú Trung, An Ngãi Trung…..Theo đó, để góp phần giảm lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày ra môi trường, hạn chế chi phí thu gom, xử lý, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Hội LHPN huyện đã phát động các xã thực hiện phong trào phân loại và xử lý rác theo hướng hữu cơ tại hộ gia đình. Mỗi gia đình có 2 sọt rác để phân loại rác vô cơ như: chai, nhựa, thủy tinh,… không tự phân hủy thì dùng để tái sử dụng hoặc bán ve chai; sọt còn lại dùng đựng rác hữu cơ như: Vỏ trái cây, rau củ, quả….có thể phân hủy được thì bỏ vào 1 thùng nhựa hoặc đào hố, dùng chất men vi sinh để ủ. Sau khi phân hủy sẽ dùng làm phân bón cho cây kiểng, rau màu…. Từ đó, có nhiều hộ gia đình, nhiều địa phương tham gia thực hiện mô hình tạo thêm nguồn thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống. Kết quả của mô hình không chỉ làm thay đổi nhận thức, thói quen của người dân mà còn lan tỏa đến các cấp, các ngành để cùng chung tay, góp sức gìn giữ và bảo vệ môi trường, hoàn thiện tiêu chí các tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, hưởng ứng chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, định kỳ hàng quí và các ngày “Chủ nhật Nông thôn mới”, Hội LHPN các xã Bảo Thuận, Thị Trấn Tiệm Tôm, An Hiệp còn phối hợp với các ngành ra quân thu gom, phân loại, xử lý rác thải trên bờ biển, Cồn Đất và các điểm du lịch, góp phần “Chung tay vì môi trường biển không rác thải nhựa”… Mặc dù chỉ là những hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, tạo hiệu ứng mạnh mẽ, góp phần nâng cao tính tự giác, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp của người dân địa phương và khách du lịch.
Hội PN Thị Trấn Tiệm Tôm ra quân chiến dịch hãy làm sạch biển
Có thể khẳng định rằng, với các hoạt động đa dạng, thiết thực, sáng tạo, hiệu quả từ huyện đến cơ sở, phong trào “Phòng, chống rác thải nhựa” đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành, đoàn thể, góp phần nâng cao vai trò của các cấp Hội, hội viên phụ nữ trong tham gia bảo vệ môi trường và thực hiện tốt phong trào “Phòng, chống rác thải nhựa”. Góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế – xã hội; phát huy tốt vai trò của phụ nữ trong tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, hướng tới các mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào cũng gặp một số khó khăn, hạn chế đó là: Nhận thức của một bộ phận hội viên, phụ nữ và người dân về tác hại của sản phẩm nhựa dùng một lần chưa thật sự đầy đủ và sâu sắc; thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nhất là túi nylon, chai nhựa vẫn còn phổ biến. Việc phân loại rác tại nguồn, tái chế sử dụng sản phẩm nhựa trong gia đình hội viên, phụ nữ chưa cao. Một số mô hình phòng, chống rác thải nhựa có triển khai thực hiện nhưng thiếu tập trung trong công tác kiểm tra, giám sát nên ảnh hưởng tới việc duy trì và nâng cao chất lượng các mô hình. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, mà ở đó, tuyên truyền là một phần trách nhiệm của Hội phụ nữ. Trong khi đó, chưa có sự đồng bộ của nhiều yếu tố khác cụ thể như: Sau khi phân loại rác tại gia đình thì khâu trung chuyển và xử lý lại không phân loại, thiếu xe chuyên dụng để chở rác hoặc không có nhà máy xử lý rác đúng tiêu chuẩn môi trường, việc giám sát, xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường chưa nghiêm…
Hội PN xã Tân Thủy phát động phong trào, mỗi PN trồng một cây xanh
Trong thời gian tới, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự đa dạng về mẫu mã, bao bì, môi trường đang phải đối mặt với thách thức từ ô nhiễm nhựa, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân và trở thành nguy cơ lớn, cản trở mục tiêu phát triển kinh tế huyện nhà. Vì vậy, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần xây dựng Ba Tri Xanh, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ phải không ngừng nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục thực hiện tốt phong trào “Phòng, chống rác thải nhựa” và công tác bảo vệ môi trường; rà soát, đánh giá các mô hình, chương trình, kế hoạch đang thực hiện, lựa chọn một số mô hình hiệu quả để tiếp tục nhân rộng. Phát huy vai trò của phụ nữ trong phòng, chống rác thải nhựa, từng bước thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông, thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường nhằm hướng đến xây dựng một “Ba Tri xanh – Thân thiện – Năng động – Nghĩa tình”.
Mỹ Linh – Hội LHPN huyện Ba Tri