Bên lề cuộc Tọa đàm tín chỉ carbon Chương trình Nhựa- Nông nghiệp & Lâm nghiệp – Bền vững nguồn nước được tổ chức ngày 9/7/2024 tại TP.Hồ Chí Minh, phóng viên (PV) đã có cuộc trao đổi với ông Chung Tấn Cường – Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.Hồ Chí Minh (VSPA) về những vấn đề liên quan chuyển đổi xanh trong ngành nhựa.
Ông Chung Tấn Cường- Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.Hồ Chí Minh.
PV: Thưa ông, trong 6 tháng đầu năm nhiều doanh nghiệp nhựa trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn do sức mua của thị trường yếu vì suy thoái kinh tế, nhiều thị trường nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam lại yêu cầu các chứng nhận liên quan đến sản xuất bền vững (ESG). Xin ông cho biết thực tế đang diễn ra thế nào?
Ông Chung Tấn Cường: Những thông tin trên là đúng sự thật. Nhiều doanh nghiệp trong ngành chúng tôi đang gặp khó khăn khi hàng tồn kho tăng do thị trường suy giảm, việc xuất khẩu cũng đang gặp khăn không chỉ vì giá xuất khẩu thấp do suy thoái kinh tế chung toàn cầu, mà còn do các qui định nghiêm ngặt hơn về các chỉ tiêu bảo vệ môi trường phải minh bạch theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Thực trạng là, một số doanh nghiệp phải giảm sản lượng, tạm thời thu hẹp sản xuất, công nhân nghỉ việc, hoặc phải giảm thu nhập của công nhân, vì sản xuất cầm chừng. Cũng xin lưu ý, ngành nhựa cả nước hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp, thì đến 70% là doanh nghiệp nhỏ. Vào cuối năm ngoái, chúng tôi còn dự báo, tuy các thị trường lớn của sản phẩm nhựa Việt Nam có dấu hiệu giảm lượng tồn kho nên kỳ vọng vào cuối năm qua và đầu năm nay, việc tiêu thụ sản phẩm nhựa sẽ có nhiều khởi sắc, các doanh nghiệp sẽ có nhiều hơn các đơn hàng. Thế nhưng, diễn biến tình hình lại chưa được như dự báo, thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn.
PV: Trong những khó khăn ghi nhận từ một số doanh nghiệp là, yêu cầu từ thị trường các nước cần phải có những chứng nhận nhận về nhãn sinh thái, nhãn xanh, hay phải chứng minh doanh nghiệp đã thưc hiện các biện pháp giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường?
Ông Chung Tấn Cường: Đúng như vậy, có những doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội đã ký hợp đồng xuất khẩu nhưng việc đưa mẫu sản phẩm đi kiểm tra để đạt các yêu cầu các chỉ tiêu nhãn sinh thái còn khó khăn, chi phí kiểm tra các mẫu cao. Hiệp hội đang tìm cách tư vấn cho các doanh nghiệp trong ngành về tiêu chuẩn cần thiết với từng thị trường và liên kết với cơ quan chứng nhận giúp doanh nghiệp kiểm tra mẫu nhanh, với chi phí hợp lý nhất.
Cũng cần chú ý, các doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam đang được hưởng ưu đãi từ các FTA, giúp sản phẩm nhựa của Việt Nam xuất khẩu đi các nước thành viên được hưởng thuế suất 0% hoặc gần bằng 0%. Đây là cơ hội rất lớn để tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nhựa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tất nhiên, để hưởng được những lợi thế này thì doanh nghiệp ngành nhựa phải tuân thủ các quy tắc, quy định của các Hiệp định FTA và thị trường quốc tế, như quy tắc xuất xứ, cam kết về phát triển bền vững…
Bên cạnh đó, trong xu hướng hiện nay người tiêu dùng trong nước cũng đã nâng cao nhận thức, quan tâm đến các sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường, do vậy đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành cũng buộc phải từng bước chuyển đổi sang sản xuất xanh, phát triển bền vững.
PV: Chúng tôi nhận thấy, dù có sự phát triển trong những năm gần đây nhưng ngành nhựa Việt Nam chủ yếu vẫn là một ngành kinh tế kỹ thuật về gia công chất dẻo, trong khi đó lại không chủ động được hoàn toàn nguồn nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất.
Ông Chung Tấn Cường: Con số mà các đơn vị chức năng đưa ra cho thấy, với tốc độ tăng trường bình quân trên 8%/năm, mỗi năm ngành nhựa cần khoảng 4,5- 5 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào như PE, PP, PS, PVC… cũng như hàng trăm loại hoá chất phụ trợ khác nhau. Thế nhưng, trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30%, bao gồm gần 1 triệu tấn nguyên liệu và hóa chất, phụ gia cho nhu cầu và phải nhập khẩu đến 70% nguyên liệu đầu vào.
Có thể ghi nhận nhiều doanh nghiệp ngành nhựa đã chú trọng đầu tư để dần xanh hóa quy trình sản xuất, để đưa ra các các sản phẩm thân thiện với môi trường bằng cách sử dụng các nguyên liệu xanh, như: túi compost hoàn toàn phân hủy sinh học; nâng cấp công nghệ, quy trình, sử dụng năng lượng sạch và các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tăng cường hiệu quả năng lượng trong sản xuất…
Nhiều Hiệp hội, liên minh liên quan đến tái chế nhựa cũng đã hình thành cùng với các quy định nghiêm ngặt, với nhiều sản phẩm tiêu dùng bắt phải tăng tỉ lệ dùng bao bì nhựa tái chế. Nhiều năm qua, tại TP.Hồ Chí Minh có những cuộc vận động người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn để đưa các loại rác thải như nhựa đưa vào tái chế làm nguyên liệu hạt nhựa. Đó là Công ty Tái chế nhựa Duy Tân- doanh nghiệp này đảm bảo 100% các chai nhựa được thu gom theo tiêu chuẩn thông qua các trung tâm thu gom của mình, với hơn 100 trạm thu gom vệ tinh tại các địa phương. Chai nhựa thu gom sẽ được phân loại, tách nhãn, nắp, sau đó được ép thành kiện. Kiện chai được đưa vào quy trình tái chế để tạo ra hạt nhựa thành phẩm. Các hạt thành phẩm đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng cho bao bì thực phẩm theo tiêu chuẩn FDA.
PV: Trong cuộc hội thảo hôm nay về tín chỉ carbon trong ngành nhựa được các doanh nghiệp và phương tiện truyền thông chú ý, chính là một bước tiến để các doanh nghiệp trong ngành nhựa tăng cường các biện pháp sản xuất xanh, thậm chí có thể thu được tiền từ việc triển khai các biện pháp để có tín chỉ chất lượng, có thể mua bán, trao đổi trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Chung Tấn Cường: Lộ trình trung hòa carbon đã được Chính phủ ban hành, các doanh nghiệp cần phải cấp bách triển khai các biện pháp chuyển đổi sản xuất xanh, cơ sở phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ đã có chủ trương đẩy mạnh công tác thu gom, tái chế, tái sử dụng nhằm hạn chế tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Như vậy, ngành nhựa cần đầu tư máy móc công nghệ mới phục vụ nhu cầu thị trường, tạo cơ hội cho các nhà cung ứng thiết bị máy móc và nguyên vật liệu mới trong tương lai.
Trong danh sách hơn 1.900 doanh nghiệp cần phải kiểm kê khí nhà kính trong năm 2024, có tên nhiều doanh nghiệp nhựa. Chúng tôi đang tìm cách hỗ trợ các doanh nghiệp lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính đúng hạn và quá trình này các doanh nghiệp có thể ngay từ ban đầu kết hợp để xây dựng tín chỉ carbon bán trong tương lai.
Cuộc hội thảo hôm nay là những bước đi ban đầu mà Hiệp hội chúng tôi kỳ vọng mang đến thông tin cần thiết cho các doanh nghiệp. Quá trình chuyển dịch sang nền công nghiệp nhựa tái chế thì các doanh nghiệp cần được tiếp cận với các công nghệ xanh trên thế giới.
Nhị Tâm – Thanh Phong