Đã 49 năm thấm thoát trôi qua, sáng ngày 5/5/1975, tại Rạch Dừa, Vũng Tàu; hình ảnh đoàn người tử tù trở về từ Côn Đảo lúc bấy giờ, phải kể đến một bức ảnh xúc động đến xé lòng đó là người mẹ ôm con trai trở về sau ngày giải phóng, hình ảnh do nhiếp ảnh Lâm Hồng Long chụp ngày ấy.
Bức ảnh kể về người tử tù – đồng chí Lê Văn Thức bị Mỹ – Thiệu đày ra Côn Đảo và kết án tử hình. Người con trong ảnh là ông Lê Văn Thức, sinh năm 1941, hiện đang ở xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Trong kháng chiến chống Mỹ, những năm trước 1968, ông là cán bộ giao liên tình báo hoạt động trong hàng ngũ của địch. Sau cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, vì một kẻ phản bội chỉ điểm, ông bị lộ và bị kẻ thù bắt, kết án tù tử hình rồi đày đi Côn Đảo.
Bức ảnh “Ngày hội ngộ” – Ảnh tư liệu.
Sáng 30/4/1975, ông cùng các đồng chí trong lao tù đã vô cùng vui mừng, hạnh phúc khi nghe được tin Sài Gòn giải phóng, miền Nam thu về một mối Việt Nam. Ngay sau đó, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Côn Đảo, ông cùng các đồng đội trong nhà tù Côn Đảo đã nổi dậy, phá nhà giam, bảo đảm an toàn cho những tù nhân tại đây thoát khỏi cảnh lao tù. Cũng như tất cả anh em tù chính trị, ông tham gia kháng chiến hoạt động tình báo, không may cơ sở bị lộ, bị địch đày ra Côn Đảo và kết án tử hình. Tất cả mọi hình thức đàn áp dã man, chế độ giam giữ ở Côn Đảo tôi đều trải qua hết và cùng với các anh em khác sống chết có nhau.
Sau khi Sài Gòn giải phóng 30/4 nhưng đến ngày 1/5, cai ngục vẫn nhốt 36 anh em tử tù trong xà lim cấm cố tại Côn Đảo (Trong đó có ông Thức). Đến ngày 2/5, anh em tù binh ở các buồng giam khác phá khám ra được và đã đập khóa mở cửa xà lim cho 36 người còn lại. Tuy nhiên, hệ thống đài rada liên lạc với đất liền bị chúng phá hủy nên phải đến ngày 4/5, tàu từ đất liền mới ra đón ông Lê Văn Thức và đồng đội. Lúc này, các nữ tù, những người bị thương tật và 36 tử tù được ưu tiên về chuyến tàu đầu tiên ngay chiều 4/5/1975. Đến rạng sáng 5/5, tàu cập bến Rạch Dừa, Vũng Tàu. Khi ông Thức đang ở nhà nghỉ thì được tin báo có người nhà đến gặp. Lúc này, mẹ của ông nhìn thấy ông nên đã nghẹn ngào thốt lên: “Má tưởng là con đã chết rồi!…” Lúc đó, ông Thức và mẹ đã ôm nhau khóc nức nở, không để ý đến mọi điều xung quanh.
Bức ảnh “Ngày hội ngộ” là một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng vào sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long. Tác phẩm đã khắc hoạ chân thực và tiêu biểu nhất cái giây phút vỡ oà niềm xúc động trong cuộc gặp gỡ giữa bà mẹ và người con sau bao năm xa cách. Bức ảnh đã mãi mãi lắng đọng, trở thành biểu trưng cho khát vọng hoà bình của đất nước.
Sau giải phóng, người chiến sĩ tình báo, người đảng viên cựu tù chính trị Côn Đảo Lê Văn Thức vẫn tiếp tục làm việc, cống hiến và đóng góp nhiều công sức cho công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Và những tháng năm hoạt động trong lòng địch, những lúc sống, chiến đấu trong ngục tù Côn Đảo, và đặc biệt là giây phút xúc động, hạnh phúc trong “Ngày hội ngộ” vẫn luôn in đậm trong tâm trí ông. “Ngày hội ngộ” không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc của riêng bản thân ông và gia đình, mà còn là những phút giây hạnh phúc, đoàn tụ của cả dân tộc trong những ngày đầu giải phóng miền Nam, thống nhất non sông đất nước.
Thực hiện: Tạ Tùng – Ngọc Kham